Tiếp theo bài viết “(Việt sub) Video hướng dẫn chi tiết xây dựng nhà kính màng nilon trồng rau cỡ nhỏ“, tuần này, vietfuji sẽ giới thiệu một số gợi ý, hướng dẫn cơ bản cho xây dựng nhà kính màng nilon trồng rau cỡ nhỏ.
Trong bài viết, có 1 số hình ảnh không hiển thị 1 cách đầy đủ hết, hãy bấm vào hình để xem hình to đầy đủ hơn.
a) Mở 2 hàng lỗ móng nhà
Xác định trước vị trí mở lỗ móng, dùng búa đập vào thanh sắt cứng, nhọn xuống sâu dưới nền đất, lấy thanh sắt lên. Vậy là ta có lỗ móng nhà, dễ cho việc cắm ống mái xuống.
b) Cắm thanh ống mái vào lỗ móng
Đánh dấu sẵn vị trí sẽ chôn sâu xuống đất (ví dụ: 40cm), cắm các thanh ống mái vào lỗ móng vừa mở. Với các nhà kính cỡ nhỏ, độ sâu chìm dưới đất của các thanh ống mái được khuyên là trên 40cm, với các nhà kính cỡ vừa là 60cm. Khi cắm ống mái, nếu không có gió, các ống mái sẽ không rung lắc, đứng vững.
Ở bước này, để cho nhà vững chắc hơn, chúng ta có 3 lời khuyên sau.
Lời khuyên 1:
Không nên sử dụng các ống mái có kích cỡ bằng nhau đồng loạt (ví dụ: dùng toàn bộ ống 32mm, bên phải hình minh họa dưới) mà nên dùng ống to, nhỏ xen kẽ có quy luật (ví dụ 1 ống to 45mm, 3 ống nhỏ 22mm cứ thế xen kẽ nhau, bên trái hình minh họa dưới).
Lời khuyên 2:
Trong trường hợp chúng ta phải chọn hướng xây nhà kính mà gió mạnh thổi trực tiếp vào mặt phía trước hoặc sau nhà, chúng ta có thể điều chỉnh độ dài ống mái đầu nhà (cuối nhà) để tạo hình dạng vòm chúi xuống như dưới đây.
Lời khuyên 3:
Với những nơi thường xuyên có mưa đá, mưa nặng hạt, chúng ta nên bẻ cong ống mái tạo mái vòm hình dạng như hình minh họa bên trái dưới thay vì hình dạng thông thường ở hình minh họa bên phải dưới. Như thế sẽ làm cho mưa đá, nước trượt dễ dàng từ mái xuống đất, đỡ tổn hại cho nilon phủ mái. Trong hình là tuyết đọng trên mái, vấn đề thường gặp của những vùng thường xuyên có tuyết rơi dày tại Nhật Bản.
Ngoài ra, khi chúng ta không có ống kim loại cong dùng làm ống mái nhà, chúng ta hoàn toàn có thể tự bẻ cong các ống kim loại thẳng theo cách như dưới đây hoặc buộc nối 2 thanh, ống nguyên liệu thẳng lại với nhau (tạo hình như phía trái hình minh họa trên) để thay thế ống mái (ví dụ: thanh kim loại thẳng mua ở xưởng chế tạo đồ kim loại, thanh gỗ, tre, nứa thu hoạch tự nhiên).
Chôn 4 chân ghế cao kim loại cứng xuống ruộng hoặc phần đất cứng như bên phải hình dưới.
Buộc bìa các tông dày vào các thanh đặt chân của ghế (nơi sẽ dùng để bẻ thanh, ống sắt thẳng).
Cho thanh kim loại thẳng vào rồi bẻ cong như bên trái hình dưới. Do có bìa các tông buộc sẵn mà tránh được các vết xước, gẫy do thanh, ống kim loại tiếp xúc trực tiếp với các thanh đặt chân của ghế.
Với các thanh, ống kim loại to, chúng ta có thể khoan, mở lỗ ở cầu bê tông, tấm bê tông nào đó. Sau đó, cắm ống kim loại vào sao cho vị trí giao giữa mặt trên tấm kim loại trùng với vị trí muốn bẻ cong, sau đó dùng trọng lực cơ thể bẻ cong như bên trái hình minh họa dưới.
Sau đó, dùng búa gỗ để điều chỉnh biên độ nhỏ, tạo độ cong như ý.
c) Nối các thanh ống mái tương ứng 2 bên
Sử dụng ống nối dưới đây để nối lần lượt 2 ống mái tương ứng 2 bên lại. Bạn chỉ cần nhét từng thanh ống mái vào ống nối, sau đó đặt tay lên phần đỉnh ống nối, ấn xuống là tự nhiên 2 thanh ống mái sẽ được nối với nhau chặt chẽ.
Trong bước này, vietfuji khuyên bạn nên chuẩn bị sẵn 1 cái ghế cao đủ cao để có thể ngồi thao tác được. Trong hình minh họa dưới, do ghế cao không đủ cao nên người làm phải thao tác trong tình trạng đầu ngẩng lên, 2 tay vươn lên cao, gây đau, mỏi cổ, bả vai, 2 cánh tay.
d) Buộc ống thẳng vào các ống mái
Ống thẳng được buộc cố định vào phía dưới, phía trong các ống mái, tạo khung xương cho nhà, thường buộc ít nhất 3 ống thẳng: 1 ở nóc nhà (vị trí mối nối của các ống mái) và 2 ở 2 bên lưng nhà.
Đầu tiên, đặt ống thẳng ở vị trí ngay phía dưới đường xương sống nhà. Dùng dây thừng buộc chặt mỗi đầu trong 2 đầu ống, để phần thừa dây thừng khoảng 2,3m.
Sau đó, cầm đầu dây thừng, bước lên ghế cao, kéo đầu ống lên cao, dùng phần thừa dây thừng tạo mối nối tạm vào ống mái mỗi đầu trong 2 đầu ống. Sau khi buộc tạm 2 đầu ống thẳng vào ống mái 2 đầu nhà, chúng ta buộc thêm 1,2 mối nối tạm ở giữa nhà. Ở bước này, cũng giống như bước c) trên, nếu có ghế cao phù hợp thì sẽ đỡ mỏi cổ, vai, tay.
Cuối cùng là bỏ từng mối nối tạm, tạo mối nối thật. Để tiết kiệm chi phí, khi xử lý các mối nối, chúng ta có thể sử dụng dây thép để buộc. Tuy nhiên, tránh tạo mối nối dây thép chồng chéo nhô lên cao phía trên ống mái, sẽ dễ làm rách phần nilon phủ nhà kính sau này.
e) Buộc các ống chéo
Trong cấu trúc nhà kính, chúng ta sử dụng các ống chéo với mục đích tăng sự vững chãi cho nhà kính. Chúng ta thực hiện tương tự với ống mài, cũng mở lỗ móng, cắm ống chéo xuống, sau đó buộc cố định ở vị trí giao nhau với các ống mái.
Tuy nhiên, có 1 chú ý khi buộc ống chéo, đó là thông thường, mỗi 1 khu đất trồng đều có phía hơi cao hơn, và phía hơi thấp hơn, chúng ta cắm chân ống chéo ở phía hơi thấp hơn, hướng ống chéo đến phần hơi cao hơn, như vậy nhà tác dụng giữ vững nhà của ống chéo sẽ phát huy tốt hơn.
f) Phủ nilon cho nhà kính
Thông thường , chúng ta chia nhà kính thành 5 phần phủ nilon: 2 mặt trước sau nhà, 2 mặt hông nhà (tính từ ống thẳng vai nhà xuống đất), mặt trần nhà (trần mái nhà, giới hạn bởi 2 ống thẳng vai nhà). 2 mặt trước sau nhà thì thường có diện tích nhỏ (chiều ngang 5m, chiều cao 3, 4m) nên chỉ cần sử dụng ghế cao là có thể phủ nilon đơn giản. 2 mặt hông nhà thì do ở vị trí thấp, lại thẳng đều nên cũng không khó khăn trong việc phủ nilon. Tuy nhiên, việc phủ nilon trần mái nhà lại không đơn giản như vậy, đặc biệt khi chúng ta thao tác với ít người. Dưới đây, vietfuji sẽ giới thiệu cách phủ nilon trần mái nhà khi có 1 người thao tác và khi có 2 người thao tác.
Cách 1: 1 người thao tác, điều kiện thời tiết không có gió, hoặc gió rất yếu
Cần chuẩn bị sẵn 2 thứ:
Quả nặng: có thể đổ đầy nước vào chai nhựa như trong hình dưới để sử dụng như 1 quả nặng, ai tay khỏe dùng chai to như trong hình, ai tay yếu dùng chai coca 350ml thôi.
Băng dính trắng: đề phòng trường hợp nilon bị rách, hoặc dùng dán tạm vào khung nhà. Chúng ta luồn vào cổ tay thế này thì thao tác sẽ rất tiện, và vì có thể dùng tay xé nên không cần chuẩn bị kéo.
Bước 1/8:
Dãy hình dưới đây là hình vẽ minh họa nhà khi nhìn từ trên xuống.
Gấp nilon gọn lại, tránh bị rối khi trải rộng ra. Buộc lỏng dây vào đoạn giữa bó nilon, buộc chặt vào quả nặng đã chuẩn bị, ném quả nặng bay qua nóc nhà sang phía còn lại. Chú ý để dây thừng đủ dài để quả nặng có thể tiếp đất ở phía bên kia.
Bước 2/8:
Sang phía bên kia, kéo dây thừng để phần giữa bó nilon cao lên đến khoảng nằm giữa ống thẳng mái nhà và ống thẳng vai nhà.
Bước 3/8:
Dùng dây buộc tạm 2 đầu nilon, vừa cầm mỗi đầu cuộn nilon vừa leo lên ghế cao, buộc cố định tạm đầu cuộn nilon vào ống thẳng mái nhà.
Bước 4/8:
Quay về vị trí ở bước 2, kéo phần giữa cuộn nilon cho đến vị trí phía trên ống thẳng mái nhà.
Bước 5/8:
Mờ rộng nilon 1 đầu mái, dùng kẹp kẹp cố định vào mái, trải nilon và kẹp từ giữa sang 2 bên.
Bước 6/8:
Tháo dây thừng buộc phần giữa cuộn nilon, trải từ từ nilon, dùng kẹp kẹp cố định tạm nilon vào khung mái theo thứ tự như minh họa trái sang phải trong hình.
Bước 7/8:
Sau khi trải nilon phủ kín trần mái nhà và dùng kẹp kẹp cố định tạm vào mái nhà xong, chúng ta buộc dây cao su ép chặt nilon vào mái nhà, tránh bị phập phồng không cần thiết. Điều này cũng làm tăng tuổi thọ của nilon mái nhà.
Buộc mỗi 3 dây cao su vào quả nặng, ném qua phía bên kia, tháo quả nặng ra, buộc, chôn cố định 2 đầu dây xuống đất. Tiếp tục thực hiện đến khi hết chiều dài nhà.
Bước 8/8:
Kiểm tra lại tất cả các mối buộc cố định tạm, buộc cố định thật sự chắc chắn.
Cách 2: 1 người thao tác, điều kiện thời tiết có gió, và không quá mạnh
Đầu tiên, hình mũi tên màu xanh trong hình biểu thị hướng gió thổi.
Bước 1/8:
Chúng ta mang nilon phủ đến phía gió thổi đến. Lật cho mặt sau nilon lên trên (thường thì có chữ in trên nilon biểu thị số hiệu, kích cỡ,…, mặt trước là mặt nhìn thấy chữ xuôi, mặt sau là mặt nhìn thấy chữ bị ngược lại).
Bước 2/8:
Kéo nilon đến cuối nhà, vượt qua đầu đốc nhà khoảng 1, 2m. Trải nilon rộng đều ra khoảng 1m, tránh nilon bị rối. Chú ý đảm bảo mặt sau nilon ở trên.
Bước 3/8:
Cầm góc nilon, dùng ghế cao leo lên phần khung đỡ mái nhà, mang góc nilon đến phần nằm ở hướng đầu gió. Lúc này, chú ý cho mặt sau nilon hướng về phía trong nhà, mặt trước nilon hướng lên trời.
Bước 4/8:
Dùng kẹp kẹp tạm góc nilon cố định vào khung nhà.
Bước 5/8:
Đến phía ngược lại của nhà, làm tương tự bước 3, sau đó đứng chờ giớ nhẹ thổi đến. Ở đây, để tạo đường gió lùa, chúng ta đóng sẵn nilon mặt hông nhà ở hướng đầu gió như phần trái hình dưới, và mở 1 khoảng 30cm ở mặt hông nhà ở hướng cuối gió như hình nhỏ góc phải dưới trong hình sau.
Bước 6/8:
Gió nhẹ thổi đến là kéo thôi, không được chần chờ làm lỡ thời cơ. Rất đơn giản nhưng điều kỳ diệu sẽ đến, nilon lướt nhẹ qua khung mái nhà, phủ kín đều trần mái.
Bước 7/8:
Sau khi nilon lướt qua phần đỉnh mái nhà, chỉ cần kéo nhẹ là nilon sẽ trượt xuống phủ kín mái.
Bước 8/8:
Nhanh tay dùng kẹp kẹp cố định tạm nilon vào ống thẳng vai nhà. Sau khi cố định tạm xong hết, quay lại cố định thực sự. Vậy là xong phần phủ nilon trần mái nhà.
Cách 3: 2 người thao tác
Khi chúng ta có 2 người để cùng phủ nilon, chúng ta không cần phủ nilon theo chiều dài nhà như cách 1, cách 2, mà chúng ta có thể phủ nilon theo chiều rộng nhà như hình dưới. 2 người giữ 2 góc nilon, đi ngang theo chiều rộng nhà, kéo dần đến hết chiều dài nhà. Đặc biệt, khi nhà kính của chúng ta rất dài thì cách này có vẻ đơn giản hơn 2 cách trên nhiều.
2. Nhà kính di động
Ngoài loại nhà kính cố định dùng trồng rau thông thường, chúng ta còn có 1 loại nhà kính khác, nhà kính di động dùng thu hoạch rau, củ ở những ruộng ngoài trời khi trời mưa. Loại này thường được chế tạo rời từng bộ phận bằng cách mang bản vẽ tìm đến xướng hàn kim loại nhờ chế tạo giùm, bình thường cất vào kho, khi cần thì lắp ghép và sử dụng.
Ví dụ về nhà kính di động như sau: dài 5m, rộng 5m , cao 1m8, tổng khối lượng 80kg. Từ lúc bắt đầu lắp ghép đến lúc dán nilon hoàn thành xong, mất 10 phút với 2 người thao tác.
Khi tháo rời, nó có các bộ phận như sau:
3. Nhà kính cỡ nhỏ cho 1 cây ăn quả
Các cây ăn quả thường có kích cỡ lớn, trồng với khoảng cách xa hơn nhiều các loại rau, củ nên nếu làm nhà kính cho cây ăn quả giống với nhà kính cho rau, củ thì sẽ vô cùng tốn kém. Do đó, chúng ta có cách sau để bọc nilon, tạo nhà kính cỡ nhỏ cho mỗi cây ăn quả.
Buộc nối 2 thanh, ống kim loại, tre, trúc thẳng lại tạo thành hình chữ T, chôn chặt xuống dưới đất ở vị trí gần gốc cây.
Sau đó, bọc nilon (có thể tái sử dụng nilon cũ để giảm chi phí) quanh cây. Chú ý để mở khoảng trống 50cm từ mặt đất lên để tạo đường đi của không khí, tránh cây bị ngạt. Dùng dây cố định khoảng cách giữa mép nilon và chân thanh, ống trụ thẳng.
Trên đây là một số gợi ý, hướng dẫn cơ bản xây dựng nhà kính màng nilon trồng rau cỡ nhỏ. Hi vọng sẽ giúp ích được phần nào đó!
No comments:
Post a Comment