Thursday, 28 April 2016

Permaculture


(Lê Xuân Định)  nguồn

Chào bà con và các bạn quan tâm đến rau sạch, nông nghiệp bền vững, nông nghiệp hữu cơ, và các mô hình nuôi trồng phối hợp rừng - vườn - ao - chuồng. Mình muốn giới thiệu và thảo luận với các bạn về mô hình "permaculture", một mô hình nông nghiệp bền vững mô phỏng theo các hệ sinh thái trong tự nhiên.

Trước hết mình xin nói về 2 từ khoá quan trọng là "tính bền vững" và "hệ sinh thái":


Tính bền vững

Giống như một cái bồn nước, chúng ta lấy nước ra xài đầu này thì phải có cách bổ sung nước trở lại ở đầu kia nếu không muốn một ngày nào đó chúng ta bị cạn kiệt nước. Khi chúng ta trồng cây rồi thu hoạch là chúng ta đã lấy đi từ đất, sau đó phải bón phân trở lại để trả lại chất dinh dưỡng cho đất. Nhưng chúng ta có nhiều lựa chọn: Nếu muốn nhanh gọn, chúng ta bón phân hoá học, rất tiện lợi cho vài vụ đầu, nhưng càng ngày đất càng suy kiệt, chúng ta càng phải bón nhiều hơn mà đất giữ lại chẳng bao nhiêu, lợi nhuận ban đầu có thể cao nhưng càng ngày càng phải đầu tư nhiều hơn mà năng suất lại thấp hơn thì đó là kém bền vững. Chúng ta có lựa chọn khác là bón phân hữu cơ, phân vi sinh, có thể công chuẩn bị các loại phân này nhiều hơn nhưng nó ổn định từ vụ này đến vụ khác, ít phải gia tăng sức đầu tư, ít làm giảm sản lượng thu hoạch thì đó là cách làm bền vững hơn. Khi chúng ta bón nhiều phân hoá học thì kết cấu của đất bị phá vỡ, chúng ta phải làm đất bằng cày cuốc để tái tạo độ tơi xốp của đất. Nhưng khi chúng làm đất bằng cơ học như vậy, chúng ta đã vô tình tiêu diệt các loài sinh vật sống dưới đất, vốn là những cỗ máy làm đất hiệu quả của thiên nhiên. Và càng ngày chúng ta càng gánh hết trách nhiệm cải tạo đất mà đất vẫn cứ thoái hoá dần, đó là kém bền vững. Tương tự đối với các vấn đề sâu bệnh, tưới tiêu, nếu chúng ta làm theo kiểu "tranh giành với thiên nhiên" thì chúng ta đang loại bỏ thiên nhiên ra khỏi mảnh đất của chúng ta để thay vào những thứ nhân tạo, làm mất cân bằng sinh thái của tự nhiên, đến khi chúng ta không còn gánh nổi nữa (con người tưởng mình mạnh nhưng thực ra rất yếu đuối so với thiên nhiên) thì mọi thứ sụp đổ, đó là không bền vững.


Hệ sinh thái


Trong sinh quyển (thế giới sinh vật trên Trái đất) thì đâu đâu ta cũng bắt gặp hệ sinh thái, từ những cánh rừng rậm cho đến vũng nước sau nhà, và ngay cả trong bụng của mỗi người chúng ta. Đó là những "vòng tròn" trao đổi chất và năng lượng giữa các loài sinh vật khác nhau để mỗi loài luôn được phát triển một cách bền vững. Như vòng tròn dinh dưỡng: (hình bên dưới) Người và thú ăn thực vật; Chất thải của người và thú lớn cùng xác chết thú nhỏ (như chuột) đi vào đất làm thức ăn cho trùn, nấm và các vi sinh vật trong đất; Chúng phân huỷ những chất hữu cơ đó thành chất dinh dưỡng cho cây cối; Cây cối hấp thụ chất dinh dưỡng đó lại lớn lên làm thức ăn cho người và thú; Cứ thế vòng xoay tiếp tục...


Những vòng tròn này cứ xoay liên tục như bánh xe lăn trên đường chẳng có đâu là khởi đầu chẳng có đâu là kết thúc (sự kết thúc của cái này là sự khởi đầu của cái khác, đầu ra của loài này là đầu vào của loài khác). Bởi nó xoay mãi nên nó mang bản tính bền vững.


Con người vốn là một phần trong hệ sinh thái của Trái Đất (hình dưới, phải) nhưng lại tự cho mình là "bá chủ" của Trái Đất (hình dưới, trái) nên thường hay can thiệp vào các hệ sinh thái theo hướng đơn giản hoá (vì con người không đủ khả năng điều khiển những thứ phức tạp). Con người luôn muốn dẹp bỏ những thứ "vô bổ" trong hệ sinh thái như cây cỏ dại, giun dế, sâu bọ, cào cào châu chấu, v.v.


Và kết quả của sự đơn giản hoá hệ sinh thái là một hệ thống khập khiễng, mất cân bằng: Chúng ta (vô tình) biến những vòng tròn của đa dạng sinh học (nhiều loài) thành những hình tứ giác, tam giác, thậm chí chỉ còn một đoạn thẳng (1 đầu là con người, 1 đầu là cây trồng chuyên canh)!


Một bánh xe căng tròn thì lăn bon bon trên đường, còn một bánh xe méo mó thì sao có thể lăn ổn định được!


Sơ kết

Một cách đơn giản, muốn bền vững thì phải giữ được sự cân bằng;


Các hệ sinh thái trong tự nhiên vốn rất cân bằng như một bàn thạch vững chãi, nếu chúng ta biết dựa vào cái "bàn thạch" đó thì sẽ được bền vững;


Còn nếu chúng ta đẩy nó ra một bên thì sẽ tự biến mình thành đối trọng với nó như chơi bập bênh (một bên là thiên nhiên, một bên là con người)...


Càng đẩy thiên nhiên ra xa thì chúng ta càng phải trở nên nặng nề, nhưng sức nặng của con người không thể nào địch lại sức nặng của mẹ Thiên nhiên, nên chẳng bao lâu thì bập bênh sẽ bật, chúng ta sẽ bị Thiên nhiên hất tung, ấy là sự phát triển kém bền vững.




***

Permaculture [pơ-mơ-câu-chơ] vốn là từ ghép từ 2 chữ "permanent agriculture" (nông nghiệp vĩnh cửu), nhưng khi phát triển lên, các nguyên tắc ứng xử của nó không còn bị giới hạn trong nông nghiệp (giữa con người với thiên nhiên) mà cũng có nhiều lợi ích khi áp dụng cho bản thân xã hội loài người (giữa người với người) nên hiện giờ permaculture = permanent culture (văn hoá vĩnh cửu).

[* Chữ "vĩnh cửu" ở đây nên hiểu là "bền vững", vì không có gì là tuyệt đối "vĩnh cửu" cả!]

Permaculture là một hệ thống từ lý thuyết tới thực hành áp dụng trong nông nghiệp nhằm nâng cao tính bền vững của nông nghiệp nói riêng và xã hội loài người nói chung. Về phần lý thuyết, thì nó là một loạt các quy tắc ứng xử công bằng giữa các cá thể trong quần thể, giữa các loài trong hệ sinh thái. Kèm theo đó là kho kiến thức sinh thái của các loài, mỗi loài có vai trò gì trong hệ sinh thái, đặc tính của nó ra sao, nó ăn cái gì vào, thải cái gì ra, v.v. Áp dụng các quy tắc và những kiến thức sinh thái đó vào thực tiễn thì phần thực hành của permaculture cung cấp cho chúng ta các mô hình thiết kế nông trại, các kỹ thuật canh tác tự nhiên, các kỹ thuật phối hợp và điều hoà các loài trong hệ sinh thái để vừa đảm bảo "bánh xe" sinh thái được vận hành trơn tru, vừa "lăn" được tới cái đích mà chúng ta muốn tới. Cụ thể, có một mô hình thực tế mà chúng rất quen thuộc, đó là VAC (vườn-ao-chuồng) thể hiện khá rõ những nguyên lý của permaculture.

Quy tắc ứng xử trong Permaculture (Đạo đức Permaculture)



Ba quy tắc trung tâm là:



Quan tâm đến môi trường, cụ thể là mảnh đất của chúng ta và rộng hơn là Trái Đất. Môi trường là nơi mà chúng ta sống, và muôn loài cùng sống. Không có môi trường tốt thì chúng ta không thể sống khoẻ mạnh, vạn vật không thể phát triển tốt được.


Quan tâm đến con người. Chúng ta là con người thì hiển nhiên phải quan tâm đến con người rồi, nhưng quan tâm như thế nào? Biểu tượng 2 người nắm tay nhau thể hiện sự cộng tác, thay vì cạnh tranh. Cộng tác không phải là điều dễ làm, vì ngay những người gần gũi chúng ta nhất trong gia đình mà chúng ta nhiều khi còn khó chịu, còn ghét bỏ, còn thù hằn! Chìa khoá của sự cộng tác là cái nhìn tích cực, chỉ để ý tới những điều tích cực của người khác, họ sẽ quay những điều tích cực đó về phía mình. Còn nếu bạn chỉ để ý đến những điều tiêu cực của người khác thì họ sẽ chĩa mũi gươm về phía bạn.

Chia sẻ cái dư thừa. Đây là nguyên tắc ứng xử cơ bản bao trùm 2 sự quan tâm bên trên. Dù là đối với Thiên nhiên (môi trường) hay đối với người khác, nếu chúng ta chỉ chăm chăm gom hết mọi thứ về mình bất kể là những thứ đó mình có thực sự cần thiết cho mình không thì vô tình chúng ta đang phung phí! Bạn tích luỹ thiệt nhiều tiền mà để trong tủ thì tiền đó là phung phí. Những chất thải của chúng ta không trả về cho thiên nhiên mà giữ lại thì vừa lãng phí vừa làm dơ bẩn nhà mình (để không dơ nhà mình mà đẩy ra bãi rác thì cũng làm dơ chỗ khác). Thu hoạch cả tấn trái cây mà không chia sẻ cho bà con lối xóm lấy một vài kg, không chia sẻ cho mấy con sâu được vài chục trái, thì đó là quá ích kỷ, cái sẽ quay trở lại hại chính mình (mình ích kỷ với người / thiên nhiên thì người / thiên nhiên sẽ ích kỷ lại với mình). 



Từ đó triển khai ra chúng ta có 12 nguyên lý thiết kế và hoạt động. Những nguyên lý này gắn liền với các mẫu thiết kế và các kỹ thuật canh tác, nên chúng ta phải vừa đọc các nguyên lý, vừa tham khảo phần thực hành thì mới dễ hiểu. (Nhấp vào đây để xem phần thực hành ở bài sau.)


Quan sát và tương tác. Thay vì đối xử với cây cối, gia súc và đất đai như đối xử với cái máy, chúng ta hãy đối xử với khu vườn của chúng ta như với một người bạn: Quan sát, "lắng nghe" xem người bạn đó muốn nói gì với mình, và trò chuyện qua lại (tương tác) để cùng đi đến kết quả. Phần "quan sát" thì khá hiển nhiên, nhà nông giỏi luôn là nhà nông biết quan sát. Còn phần "tương tác" là chúng ta phải "có qua có lại" chứ đừng "ra lệnh" hay "cưỡng bức" theo kiểu 1 chiều. Và hiển nhiên, làm bạn thì luôn đòi hỏi tính kiên nhẫn hơn là làm chủ!


Bắt lấy và dự trữ năng lượng. Cũng như chúng ta không thể sống mà không ăn, không có một hệ thống nào phát triển được mà thiếu năng lượng và tài nguyên (nhiệt, nước, chất dinh dưỡng,...) Năng lượng xung quanh ta không thiếu, chỉ có chúng ta không biết bắt lấy chúng mà lại còn phung phí. Mặt trời có mùa nóng có mùa lạnh, nước mưa có mùa lụt có mùa khô, năng lượng và tài nguyên có lúc nhiều lúc ít nên việc bắt lấy chúng lúc nhiều và dự trữ cho lúc ít là rất quan trọng. Đó là sự đảm bảo cho vòng xoay năng lượng được trơn tru.


Thu lượm lợi quả. "Có thực mới vực được đạo!" Nếu nguyên lý 2 nói về năng lượng cho hệ sinh thái nói chung thì nguyên lý này nói về năng lượng cho chính con người chúng ta. Có nuôi trồng thì phải có thu hoạch, nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng chúng ta thường chỉ thu hoạch "nông sản chính" mà bỏ qua rất nhiều những nông sản "phụ" khác. Và cái nhiều người bỏ qua nhất là kiến thức và kinh nghiệm! "Lợi quả" là phần "tích cực" và không thể thiếu của một vòng xoay.


Tự điều chỉnh và chấp nhận hậu quả. "Thất bại là mẹ thành công!" Nếu nguyên lý 3 nói về "lợi quả" thì nguyên lý này nói về "hậu quả". Nhưng "hậu quả" chỉ có hại khi chúng ta từ chối chúng, ghét bỏ chúng. Còn nếu chúng ta biết học hỏi từ chúng, tận dụng chúng thì chúng lại có lợi cho toàn hệ sinh thái: Chúng ta ghét cỏ dại vì chúng ta không chịu lắng nghe nó báo về tình trạng của đất (đất đang trống cỏ mới mọc, các loài cỏ khác nhau báo hiệu các chất / chỉ số khác nhau trong đất), khi nhổ cỏ lên thì chúng ta không phủ trở lại mặt đất (tự điều chỉnh) mà lại đem đốt đi (đẩy ra chỗ khác); Con người và con vật ăn xong đều ỉa ra phân, là điều tất nhiên, vậy mà chúng ta lại ghét sự hôi thối của nó, đẩy chúng đi xa, hoặc thật sâu xuống đất, không biết rằng đó là những thứ cần phải được trả về đất để vòng xoay dinh dưỡng tiếp tục lăn bánh (tự điều chỉnh). "Hậu quả" là phần "tiêu cực" và không thể thiếu của một vòng xoay.


Sử dụng và coi trọng những tài nguyên có thể phụ hồi. "Miệng ăn núi lở!" Nhưng miệng ăn rau thì rau mọc lại. Chúng ta nên tận dụng những thứ có khả năng phục hồi và tái sử dụng thay cho những thứ "xài xong bỏ". Ngay cả với cùng một thứ, như con trâu trong biểu tượng trên, chúng ta cũng nên chọn cách sử dụng sao cho nó có thể phục hồi, như cày ruộng, hơn là dùng một lần, như ăn thịt. Với đất đai, cây cối, côn trùng, thú nuôi, và mọi thứ, chúng ta hãy tìm ra và tận dụng các dịch vụ mà chúng cung cấp, những sản phẩm mà chúng mang lại chứ đừng ăn đứt, lấy đoạn tuyệt chúng. (Ở nước ta thì nên thay biểu tượng con ngựa thành con trâu, vì chúng ta không cày ruộng bằng ngựa.)


Không tạo ra chất thải. Trong hệ sinh thái, chất thải của bên này là thức ăn của bên kia, và không có gì là hoàn toàn "thải" đối với toàn hệ. Khi chúng ta đẩy "chất thải" ra ngoài là chúng ta đang phung phí tài nguyên của hệ sinh thái. Nguyên lý này cũng giống nguyên lý 4, nhưng nhấn mạnh hơn vào vòng tuần hoàn vật chật.

-------------------------------------------
Nếu 6 nguyên lý trên nói về cách chúng ta tương tác với thiên nhiên thì 6 nguyên lý tiếp theo nói về cách chúng ta triển khai bản thiết kế của chính chúng ta. Và trong thiết kế thìkhông có "đúng" hay "sai" mà chỉ có "phù hợp" hay không thôi. Nó có thể hợp lý với người này, với hoàn cảnh này nhưng không hợp lý với đối tượng khác. (Xem thảo luận về tính tương đối của "lựa chọn bền vững" ở đây.)
-------------------------------------------


Thiết kế từ dạng mẫu xuống chi tiết. Như con nhện giăng những sợi tơ chính làm khung sườn rồi mới lấp vào đó những vòng tơ mỏng, chúng ta thiết kế khu vườn từ trên xuống, từ tổng quan đến chi tiết, từ kế hoạch dài hạn đến ngắn hạn. Dạng mẫu là cái chúng ta cần tập trung thiết kế trước, còn chi tiết là cái chúng ta cần "tuỳ cơ ứng biến" tức thiết kế rồi quan sát rồi chỉnh sửa trong suốt quá trình phát triển. Như vậy phần "chi tiết" chính là kết quả của nguyên lý 1 "quan sát và tương tác", còn phần "dạng mẫu" thì ở đâu ra? Chúng học hỏi "dạng mẫu" cũng bằng quan sát, nhưng quan sát quá khứ, quan sát những hệ sinh thái khác, những khu vườn khác tương tự, và rút ra cái chung nhất, cái ít biến đổi theo thời gian nhất. Lưu ý rằng "dạng mẫu" luôn là cái "khung sườn", phải có nhiều chỗ trống để chúng ta "làm mịn" bằng cách lấp các chi tiết vào và có chỗ trống để cho các chi tiết có thể thay đổi sau đó.


Hướng tích hợp hơn là cách ly. "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao!" Bản thân hệ sinh thái là một tổng thể thống nhất của nhiều cá thể, nhiều loài liên tục "quan sát và tương tác" với nhau. Vậy hãy dùng nguyên lý 5 để tìm ra tất cả những khả năng của từng bộ phận (loài, cá thể) rồi ghép chúng lại sao cho những bộ phận gần nhau có thể chia sẻ & tương tác với nhau được nhiều nhất, đừng để bất kỳ bộ phận nào bị lẻ loi. Công đoạn thiết kế này giống như chơi trò xếp hình jigsaw vậy.


Chọn những giải pháp nhỏ và chậm. "Trèo cao té đau!" Đây có vẻ là nguyên lý gây "khó chịu" nhất, vì nó đi ngược lại với xu thế hiện đại. Nhưng đây là lựa chọn tất yếu của permaculture vì mục tiêu của nó là tính bền vững chứ không phải tính giàu có. Vì sao cái nhỏ lại là cái bền vững? Vì con vi khuẩn tồn tại từ thời mới hình thành Trái đất tới tận bây giờ còn con khủng long đã tuyệt chủng. Vì cái nào cũng là những "vòng xoay" nên có sanh tất phải có diệt: Nếu chúng ta chọn vòng xoay lớn cỡ con người (không gian vài chục mét, thời gian dưới trăm năm) thì mỗi người trong đời này sẽ được chứng kiến sự sụp đổ; Nếu chúng ta chọn vòng xoay lớn hơn thì đời này không thấy nhưng đời sau sẽ thấy, không sụp đổ 1 người mà sẽ sụp đổ nhiều người (hay lớn nhất là cả nhân loại); Còn nếu chúng ta chọn sự tích hợp của nhiều vòng xoay nhỏ hơn mỗi người chúng ta thì mỗi người sẽ thấy "lên voi xuống chó" liên tục như "sáng rồi chiều" như "nắng rồi mưa" mà mãi mãi chẳng bao giờ sụp đổ hoàn toàn cả. Còn tại sao lại "đi ngược với xu thế của thời đại"? Đơn giản vì con người tham và "cận thị", luôn muốn được cái lợi thật nhiều ngay trước mắt. Để đối phó với nguy cơ sụp đổ lớn thì con người hiện đại tìm cách mở rộng cái vòng xoay lớn ra ngày càng lớn hơn hòng trì hoãn sự sụp đổ. Nhưng tài nguyên thì luôn có hạn nên sự sụp đổ lớn là không thể tránh khỏi với lựa chọn "lớn và nhanh". Nguyên lý này tương ứng với nguyên lý 5 ở nửa trên.


Sử dụng và coi trọng tính đa dạng. "Đừng gom hết trứng vào một giỏ!" (Nếu không muốn "chết chùm!") Nguyên lý 9 chọn vòng xoay nhỏ không chưa đủ. Nếu cả thảy những vòng xoay nhỏ đó đều giống hệt nhau thì chúng ta sẽ thấy sự sụp đổ hệ thống liên tục, như dịch bệnh, mất mùa, rớt giá, v.v. Sự đa dạng như anh em trong một nhà có đứa lớn đứa nhỏ, lúc đứa này bệnh thì còn đứa kia chống đỡ và ngược lại. Trong một hệ thống bền vững, các vòng xoay nhỏ phải đan xen lẫn nhau. Tính đa dạng sinh học là chìa khoá của sự bền vững trong các hệ sinh thái tự nhiên, nơi các loài khác nhau tự điều hoà lẫn nhau.


Sử dụng và coi trọng những vùng biên. Đây là sự tích hợp của nguyên lý 10 (đa dạng) với nguyên lý 8 (tích hợp). Bởi nếu đa dạng mà mỗi phần nằm một chỗ thì khó mà tương tác được với nhau, ngược lại chỉ cần 2 phần thôi nhưng nếu chúng ta thiết kế cho chúng đan xen hoà quyện lẫn nhau để kéo dài tối đa đường biên giới thì chúng tương tác với nhau rất mạnh mẽ (xem hình dưới bên phải). 
Và trong tự nhiên lẫn xã hội thì những vùng biên giới là những vùng sôi động nhất, là nơi diễn ra những sự tiến hoá, nơi diễn ra những cuộc cách mạng.


Tích cực quan sát và thích ứng với những thay đổi. Nguyên lý này tương ứng với nguyên lý 1, nhưng ở mức thiết kế. Chúng ta thường có quan điểm lười biếng muốn "thiết kế 1 lần, dùng mãi mãi!" Nhưng bản chất của vạn vật là sự biến đổi, và con người không thể nào thấy trước được tất cả mọi sự biến đổi trong tương lai. Nếu chúng ta không biết thích nghi, không biết quan sát để rút ra bài học và cập nhật bản thiết kế thì chắc chắn hệ thống sẽ phải sụp đổ. Tại sao "chắc chắn"? Vì nhờ sức mạnh của máy tính, con người hiện đại đã chứng minh được rằng với một hệ thống dù rất đơn giản (VD: một công thức toán học đơn giản z' = z^2 + 1) và không hề có gì là "ngẫu nhiên" trong đó nhưng chỉ sau một thời gian ngắn nó đã phát triển thành một hệ thống phức tạp đến độ không thể nào đoán trước được. Bạn có thể đoán được công thức đơn giản z' = z^2 + 1 này lại vẽ ra một bức tranh phức tạp như thế này?


Và khi phóng to lên nó ra như thế này:


Không thể đoán trước không có nghĩa là không thể xác định được dạng mẫu của nó thông qua quan sát. Nhìn hình trên ta thấy nó gồm nhiều hình tròn tròn chồng lên nhau, nhìn hình dưới ta thấy có những vòng xoáy, v.v. Càng phóng to lên chúng ta càng phát hiện ra những hình dạng kỳ thú (Xem hình tập Mandelbrot ở đây.) 

Chúng ta cần phải lưu ý rằng permaculture hay nông nghiệp bền vững nói chung là một sự lựa chọn, không phải là điều bắt buộc. Và trong thiết kế thì không có "đúng" hay "sai" mà chỉ có "phù hợp" hay không thôi. Nó có thể hợp lý với người này, với hoàn cảnh này nhưng không hợp lý với đối tượng khác. (Xem thảo luận về tính tương đối của "lựa chọn bền vững" ở đây.)


***

Mình xin xen ngang bằng một thảo luận về sự lựa chọn của permaculture, thể hiện rõ nhất ở nguyên lý thứ 9 "Chọn những giải pháp nhỏ và chậm". (Xem các nguyên lý permaculture ở đây)

Chúng ta cần phải lưu ý rằng permaculture hay nông nghiệp bền vững nói chung là một sự lựa chọn, không phải là điều bắt buộc. Càn khôn lúc nào cũng có âm có dương, xã hội cũng có kẻ nhanh người chậm, kẻ lớn người nhỏ. Nên bạn hãy tuỳ hoàn cảnh, tuỳ sở trường của mình mà lựa chọn cho phù hợp (giữa "chậm mà chắc" hay "nhanh chóng hơn, to lớn hơn").

Âm dương có lúc thăng lúc trầm, thuở xưa khi văn hoá phương Đông phát triển rực rỡ thì văn hoá phương Tây chìm trong "đêm trường trung cổ", thời cận đại thì văn hoá phương Tây nổi lên lấn át phương Đông, đến thời hiện đại thì khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão khiến cho mọi thứ gần như bị Tây hoá. Đó gọi là "âm thịnh thì dương suy" và "dương thịnh thì âm suy", như phần trắng (dương) với phần đen/xanh (âm) trong hình dưới.


Nhưng khi dương phát triển đến cực thịnh (bên phải) thì ngay trong lòng của nó nổi lên phần âm, như phong trào permaculture (nhỏ, chậm) đang phát triển mạnh mẽ trong lòng nền nông nghiệp cơ giới hoá (lớn, nhanh) của phương Tây bây giờ vậy. Đó gọi là "trong âm có dương" và "trong dương có âm".

Nước ta nằm trong cái nôi "âm" của phương Đông, hiện đang chịu áp lực rất lớn bởi xu thế "dương hoá" (công nghiệp hoá, đô thị hoá). Chúng ta làm nông nghiệp tuy còn ở quy mô nhỏ (âm) nhưng đất đai vẫn còn trù phú (dương) nên vẫn có thể tiếp bước phương Tây là tập trung đất lại, đưa cơ giới vào để giảm nhân công, nâng cao năng suất (dù hiệu suất giảm),... đến khi nào cái "dương" đạt đến cực hạn như phương Tây rồi thì tự nhiên phải quay lại về "âm", cũng chưa muộn! Nhưng vài hệ luỵ (kết quả "âm") của thế giới quá dương cũng đã xuất hiện ngay trên nước mình, như ô nhiễm môi trường, tác động lên chính dân mình, như các bệnh ung thư, an toàn vệ sinh thực phẩm giảm. Nên chúng ta cũng có thể "đi tắt" bắt tay với cái "vòng tròn âm permaculture" đang nổi lên trong thế giới phương Tây để tận dụng những lợi thế "âm" vốn có của chúng ta: quy mô nhỏ lẻ, tư duy hướng ổn định ("an cư lạc nghiệp"), tư duy tổng hợp(đối lập với tư duy phân tích).


Tóm lại, chúng ta có 2 lựa chọn hoặc "nhỏ, tích hợp và đa đạng" hoặc "lớn, cách ly và thuần chủng", thể hiện rõ nhất qua bộ 4 nguyên lý 8, 9, 10, 11 (xem bên dưới). Còn nếu làm dở dang,vừa nhỏ lẻ mà lại thuần chủng, lại chạy ồ ạt theo cùng 1 phong trào, thì chúng ta sẽ gặp nhiềuthất bại như tình tình của nhiều nông dân nước ta dạo này.

Hướng "âm":

9, 8. Chọn những giải pháp nhỏ và chậm; Hướng tích hợp hơn là cách ly.
10, 11. Sử dụng và coi trọng tính đa dạng; Sử dụng và coi trọng những vùng biên.

Hướng "dương":

-9, -8. Chọn những giải pháp lớn và nhanh; Hướng cách ly hơn là tích hợp.
-10, -11. Sử dụng và coi trọng tính thuần chủng; Sử dụng và coi trọng vùng trung tâm.

No comments:

Post a Comment