(Bà Ino Mayu, nhà sáng lập tổ chức Seed to Table)
Seed to Table (Từ hạt giống đến bàn ăn) là tổ chức phi chính phủ nhằm hỗ trợ nông dân Việt Nam trong việc bảo tồn hạt giống, cải thiện sinh kế người nghèo và sản xuất nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường.
Suốt từ năm 2009 đến nay, bà Ino Mayu đã lặn lội cùng với những người trong dự án Seed to Table triển khai rất nhiều mô hình sản xuất rau hữu cơ cho nông dân Việt Nam.
Niềm vui của tôi là thấy mọi người thu nhập tăng lên, bảo vệ được môi trường. Điều đó cần phải có thời gian. Cần nhất là phải sát dân, có phương pháp tiếp cận, chứ nhiều tiền chưa chắc đã làm được đâu.
Mình đừng ngồi đó mà đòi hỏi nông dân phải canh tác sạch, phải có trách nhiệm với họ, tạo ra thị trường cho sản phẩm hữu cơ, đó là hai mặt của một vấn đề.
– Qua thời gian hướng dẫn nông dân làm nông nghiệp hữu cơ, bà thấy kiến thức tiếp cận loại hình này của họ như thế nào?
Cái đấy tuỳ từng người. Người chịu khó học hỏi thì hiểu rất sâu chứ không chạy theo lợi nhuận. Lợi nhuận tuy phải có vì họ sống bằng nghề đấy, thế nhưng mà người ta cũng hiểu sâu về sức khoẻ của mình, sức khoẻ của người ăn và cân bằng hệ sinh thái tại môi trường mà họ sản xuất.
Người ta còn hiểu tại sao phải bảo vệ môi trường, đó chính là bảo vệ sức khoẻ của mình và cộng đồng và quyền lợi kinh tế của người nông dân. Như thế mới bền vững được.
– Nếu bây giờ đem kiến thức hữu cơ áp dụng cho Việt Nam trên nền đất cơ bản bị ô nhiễm có được không?
Tuỳ từng vùng, nếu bị ô nhiễm thì không thể sản xuất được, tại vì cái đấy có kim loại nặng quá thì làm sao. Với khu vực Bình Đại, Ba Tri ở tỉnh Bến Tre, nơi các nhóm nông dân đang làm thì chúng tôi đã khảo sát kỹ, đã lấy mẫu đất, nước đưa đi xét nghiệm và đạt yêu cầu. May mà chưa nhiễm mặn.
Còn những khu vực khác mà đất đai, nguồn nước ô nhiễm thì không được phép sản xuất hữu cơ. Tôi nhớ có lần cũng bị một vụ ở Hoà Bình, tuy nơi chọn làm là vùng sâu vùng xa nhưng không ai nghĩ đất đó là bị ô nhiễm.
Xung quanh không có nhà máy, xí nghiệp, vậy mà khi kiểm tra thì đất bị nhiễm kim loại cực kỳ độc hại. Sau này bà con mới nói ngày trước ở đây là khu vực dùng để làm kho chứa phân bón hoá học.
– Qua tiếp xúc, bà thấy kiến thức của nông dân Việt Nam so với nông dân Nhật Bản khi áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp sạch có sự khác biệt lớn không?
Nông dân Nhật Bản có nhiều tiến sĩ lắm. Hoặc là học hết đại học nhiều lắm. Họ cực kỳ say mê, tỉ mỉ làm nông nghiệp đúng như bản chất đặc trưng người Nhật. Cho nên là khi mê một cái gì đó, thấy thích một cái gì đó là người ta nghiên cứu sâu.
Tôi thấy người nông dân Nhật hơi lạ một chút là khi tiến hành nghiên cứu đôi lúc họ cũng chưa biết chính xác hiệu quả của nghiên cứu đó là cái gì, mang lại lợi ích cho cộng đồng như thế nào nhưng họ vẫn tập trung nghiên cứu sâu. Nhưng cuối cùng thì lại kết nối được việc sản xuất ra một công nghệ mới.
Bản tính của người nông dân Nhật hay ở chỗ người ta tìm ra được công nghệ mới thì có ý định trả lại cho cộng đồng, chứ không vì mục đích kiếm lợi nhuận.
– Đặc tính của nông dân Việt Nam như bà tiếp xúc thì có thuận lợi để phát triển nông nghiệp hữu cơ?
Động lực lớn nhất là bây giờ phải có đầu ra. Vì nông dân sống bằng nghề này. Người nông dân Nhật cũng sống bằng nghề nông nhưng nhiều khi họ sẵn sàng bỏ tiền ra, mượn tiền làm nông nghiệp hữu cơ mười năm không có thu nhập nhưng vẫn làm.
Đặc tính nông dân bảo thủ thì ở đâu cũng vậy thôi. Quan điểm của tôi là không bao giờ ép buộc họ làm. Khi giải thích, chuyển giao kiến thức thì họ thấy tốt cho môi trường, cho sức khoẻ thì tiếp nhận. Còn không muốn làm thì thôi.
– Nhưng nếu triển khai thành các nhóm sản xuất trên diện tích nhỏ thì sản lượng sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường?
Quan điểm nông dân Việt Nam thường là không có đầu ra sẽ không an tâm sản xuất. Còn sản lượng thì tôi nghĩ nhu cầu lớn với rau hữu cơ là có, nhưng nếu làm đại trà rất khó quản lý.
Tôi cũng không muốn nhấn mạnh đến hiệu quả kinh tế nhiều, tại vì nếu hiệu quả kinh tế nhiều quá nông dân lại nghĩ bán được giá cao mới làm, chứ không quan tâm đến những mặt tốt khác của nông nghiệp hữu cơ. Chạy theo lợi nhuận là không làm được, sẽ làm ẩu, nhiều khi vi phạm cũng không nói ra.
– Như vậy có mâu thuẫn không, vì một trong những mục tiêu chính của nông nghiệp hữu cơ là làm tăng giá trị lợi nhuận?
Không, đó chỉ là một trong những mục tiêu thôi. Nếu chỉ có lợi nhuận là nghĩ sai. Bà con phải hiểu bối cảnh xã hội, ý nghĩa của nông nghiệp hữu cơ là làm cân bằng hệ sinh thái giữa môi trường và con người…
– Dự án có tiến tới hỗ trợ đầu ra, marketing cho nông dân không?
Có, chúng tôi đã hẹn được nhiều doanh nghiệp đến rồi. Nhưng mà tôi cũng phải hơi kén chọn một chút vì doanh nghiệp cũng không phải ai cũng tốt.
Họ thường nghĩ cơ hội kiếm được nhiều tiền thì làm, muốn có nhiều hàng để bán ngay, như thế lại không bền vững.
Tôi chỉ tìm ra một số doanh nghiệp, chịu trách nhiệm với cộng đồng, cùng với nông dân làm nông nghiệp hữu cơ.
– Làm việc với nông dân vất vả cực nhọc thế, mà sao bà lúc nào cũng hăng say?
Nông dân ở đâu cũng vậy, tính bảo thủ lớn lắm. Họ đã tin dùng một phương pháp nào rồi thì thay đổi khó lắm, phải rất kiên trì.
Làm thế nào để tính toán hiệu quả cụ thể mới thuyết phục được, nhưng cũng phiêu lưu lắm, vì có thể họ gắn bó với mình trong thời gian có hỗ trợ, nhưng sau đó thì đâu lại vào đấy.
Nhiều khi cũng bó tay luôn. Chính vì thế tôi không tha thiết với mô hình quy mô lớn, mà chỉ tập trung vào những hộ nhỏ, hộ nghèo, vì chính họ mới là người làm thay đổi môi trường. Bên cạnh đó, rất cần sự kết hợp của vai trò trung gian là cán bộ nhà nước tại địa phương để thuyết phục.
Minh Khoa thực hiện Hoàng Tường hoạ chân dung
Thế Giới Tiếp Thị
No comments:
Post a Comment